Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn tỉnh Yên bái giai đoạn 2021 - 2025, sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 192/KH-SGDĐT ngày 27/10/2022 tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp xây dựng "Trường học hạnh phúc" và quy trình đánh giá "Trường học hạnh phúc" đối với các cơ sở giáo dục mần non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 

Đ/c Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GDĐT và Đ/c Đào Anh Tuấn - PGĐ Sở GDĐT điều hành phần thảo luận 

 

Hội nghị diễn ra ngày 22/11/2022 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Công đoàn ngành, lãnh đạo các phòng thuộc Sở, lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các đơn vị trường học cùng các chuyên viên phụ trách công tác xây dựng Trường học hạnh phúc với tổng số gần 100 người. 

Đ/c Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GDĐT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

 

Hội nghị đã đươc nghe đồng chí Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng GDTrH, thuộc Sở GDĐT trình bày báo cáo kết quả triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Căn cứ Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 – 2025, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn. Nhìn chung, các phòng GD&ĐT đã kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc; đưa mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc vào kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.; các cơ sở giáo dục đã tạo được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn và bầu không khí thân thiện, vui vẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh đáp ứng tiêu chí yêu thương, an toàn, tôn trọng.  Đã có thay đổi, chuyển biến trong hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không có trường hợp nào vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Việc triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực; nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cộng đồng về xây dựng “Trường học hạnh phúc” ngày càng được nâng cao; nhiều đơn vị trường đã có cách làm hay, sáng tạo, tận dụng mọi không gian trang trí lớp học, khuôn viên trường lớp, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích góp phần tạo cảnh quan môi trường, sự đoàn kết gắn bó giữa thầy và trò, giữa trò và trò để học sinh thêm yêu trường lớp hơn.

Đ/c Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng GDTrH trình bày báo cáo tại Hội nghị 

 

Kết quả tự đánh giá của các đơn vị: 165/168 trường đạt tiêu chí Trường học hạnh phúc.

Tuy nhiên, việc xây dựng Trường học hạnh phúc còn gặp nhiều khó khăn: Các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều cơ sở giáo dục còn khó khăn, số lượng giáo viên toàn tỉnh còn thiếu so với quy mô hiện tại, vì vậy, có tác động không nhỏ đến quá trình triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc’. Một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong dạy học; chưa tạo được môi trường trường lớp học xanh, xạch, đẹp, an toàn và thân thiện; còn để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông và các vụ việc bạo lực học đường; nội bộ nhà trường chưa đoàn kết, việc thực hiện dân chủ trường học có lúc chưa đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Việc tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng trường học hạnh phúc còn gặp nhiều vướng mắc; một số đơn vị thực hiện mang tính hình thức. Việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương và cha mẹ học sinh trong việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc ở các địa phương còn hạn chế.

 

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu, nêu khó khăn trong quá trình thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc và bàn về những giải pháp trong thời gian tới nhưTiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc; cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng năm, từng quý, từng tháng để tổ chức thực hiện; tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho các nhà trường; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; trước mắt là tuyển dụng bổ sung, bố trí hợp lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên cho học sinh, sinh viên, gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; ban hành hướng dẫn đánh giá mô hình Trường học hạnh phúc, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các cơ sở giáo dục; tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực xây dựng Trường học hạnh phúc cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.